Mô tả
Cây lúa và tình hình sâu hại ở lúa
Lúa là cây lương thực chính của nước ta. Hàng năm cây lúa gặp rất nhiều sâu bệnh tấn công gây ảnh hưởng tới năng suất. Có những vùng do không kiểm tra thường xuyên dịch hại nên sâu bệnh đã bùng thành dịch lớn gây thất thu trên diện rộng. Do đó, để canh tác tốt cây lúa ngoài việc thường xuyên cập nhật các thông báo dịch hại của ban khuyến nông địa phương, bà con cũng cần chủ động trang bị kiến thức về sâu bệnh hại cây lúa cho bản thân. Bài viết dưới đây là các thông tin tổng hợp về các loại sâu hại tấn công phổ biến và nguy hại trên cây lúa do các kỹ sư của AgriViet biên soạn
Danh sách 7 loại sâu hại chính trên cây lúa phổ biến
Trên cây lúa xuất hiện rất nhiều loại sâu bệnh. Tuy nhiên, những loại sâu bệnh gây hại chính và nguy hiểm cho cây lúa phải kể tới là: sâu cuốn lá, rầy nâu, sâu đục thân, bọ trĩ, nhện gié, sâu đục bẹ, bọ xít. Sau đây hãy cùng các kỹ sư của AgriViet đi tìm hiểu chi tiết về đặc điểm nhận dạng và đặc điểm gây hại chi tiết của từng loại sâu trên nhé
Sâu cuốn lá hại lúa
Đặc điểm hình thái
Trưởng thành của sâu cuốn lá lúa hoạt động mạnh về đêm. Chúng tìm tới các ruộng lá xanh tốt đẻ trứng rải rác trên lá.
Trứng sau khi nở thành sâu non có màu trắng trong, phần đầu có màu nâu đen. Sâu lớn dần chuyển sang màu xanh lá mạ hoặc màu vàng, đầu có màu nâu sáng
Vòng đời sâu cuốn lá kéo dài 30-45 ngày
Khả năng gây hại
Sâu cuốn lá thường nhả tơ để dính 2 mép lá lại theo chiều dọc thành ống và sinh sống, gây hại bên trong.
Sâu non gặm phần thịt lá, chỉ chừa lại lớp biểu bì tạo thành lớp màng trắng mỏng phía ngoài khiến lá lúa bị mất hoàn toàn diệp lục.
Khu vực lúa bị sâu cuốn lá tấn công sẽ sinh trưởng, phát triển chậm, hạt dễ bị lép lửng nếu sâu gây hại vào giai đoạn lúa trổ đòng.
Mật độ sâu lớn sẽ gây cho ruộng lúa trở nên xơ xác. Các vị trí bị sâu tấn công còn là nơi nấm bệnh khác dễ xâm nhập gây hại cho lúa
Rầy nâu ở lúa
Đặc điểm sinh học
Rầy nâu đẻ trứng thành từng ổ ở bẹ hoặc gân lá lúa, trứng trong suốt
Trứng nở thành rầy non có màu trắng xám, khi rầy tuổi 2-3 chuyển sang màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm nếu mật độ cao. Rầy non rất linh hoạt và lẩn trốn nhanh khi bị khua động
Rầy trưởng thành có màu nâu đậm đến nâu đen, có 2 dạng rầy cánh dài và cánh ngắn cùng tồn tại
Đặc điểm gây hại
Cả rầy non và rầy trưởng thành đều tập trung ở phần bẹ và chích hút nhựa cây lúa. Mật độ nhẹ chúng làm cho cây lúa sinh trưởng chậm, giảm năng suất. Mật độ rầy cao sẽ làm cây lúa úa vàng, có khi chết cả một đám lúa hoặc bùng phát thành dịch hại trên cả cánh đồng gây ra hiện tượng “cháy rầy”
Rầy nâu gây hại chủ yếu ở giai đoạn lúa làm đòng tới chín. Đã có nhiều nơi bị thất thu hoàn toàn năng suất cả một cánh đồng do rầy nâu tấn công
Ngoài ra, nguy hiểm hơn nữa là rầy nâu là đối tượng trung gian truyền bệnh virus vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa
Sâu đục thân ở lúa
Đặc điểm hình thái
Trưởng thành sâu đục thân hoạt động mạnh và đẻ trứng vào đêm. Sâu non khi nở ra có màu trắng sữa, đầu màu nâu vàng
- Khả năng gây hại
- Sâu đục thân tấn công cây lúa từ khi giai đoạn mạ cho tới khi lúa trổ đòng
- Giai đoạn cây lúa đẻ nhánh sâu đục thân thường cắn phá tấn công đỉnh sinh trưởng của cây làm giảm tỷ lệ nhánh hữu hiệu/khóm
- Trưởng thành sẽ để trứng vào chóp lá mạ hoặc trên phiến lá lúa. Sâu nở ra cắn thủng bẹ đục vào thân làm cây mạ bị héo và gãy ngang rồi chết. Ở giai đoạn làm đòng, sâu thường đục ngang và tấn công vào phần trong của bao đòng
- Thời kỳ lúa đã trỗ sâu sẽ đục vào phần ống dưới cổ bông, phá hoại hệ thống mạch dẫn của cây làm lúa không thể đưa dinh dưỡng nuôi bông, các bông này sẽ gặp hiện tượng lép, lửng
Bọ trĩ hại lúa
Đặc điểm hình thái
- Bọ trĩ thường gây hại cho lúa khi thời tiết hanh khô
- Bọ trĩ có kích thước nhỏ, cơ thể thuôn dài, di chuyển linh động nếu bị khua động
- Bọ trĩ non có thân trong suốt, sau đó chuyển dần thành màu vàng nhạt
- Bọ trĩ trưởng thành có màu vàng nhạt, không cánh và lẩn trốn nhanh trong các kẽ lá, hoa
- Để nhận biết trên ruộng của mình có đang bị bọ trĩ tấn công hay không, bà con chỉ cần nhúng ướt tay rồi khua động trên ruộng lúa sau đó kiểm tra trên tay có bọ trĩ dính lại không
Đặc điểm gây hại
Bọ trĩ non và trưởng thành chích hút nhựa cây lúa rất mạnh làm cho lá vàng, chóp là cuốn tóp lại
Các ruộng bị bọ trĩ sẽ gây giảm năng suất thu hoạch đáng kể
Nhện gié hại lúa
Nhện gié phát sinh và gây hại trong điều kiện thời tiết nóng, khô
Đặc điểm hình thái
Nhện gié có kích thước siêu nhỏ, cơ thể màu trong suốt hoặc nâu sáng. Do đó không thể nhìn thấy được nhện gié trên cây lúa bằng mắt thường. Để quan sát được nhện gié cần có kính lúp x10
Nhện gié có vòng đời rất ngắn chỉ 4-11 ngày và khả năng đẻ trứng nhiều nên chúng gây hại rất nghiêm trọng cho cây lúa
Khả năng gây hại
Nhện gié gây hại trực tiếp cho cây lúa bằng cách tấn công các mô lá bên trong bẹ lúa làm cho cây vận chuyển dinh dưỡng kém. Cây lúa bị nhện tấn công sẽ trổ không thoát, nghẹn đóng hoặc gây hiện tượng đen lép hạt
Mật độ nhện gié cao chúng sẽ bò lên tấn công cả phần bông và cuống bông, cuống gié lúa gây lép lửng hạt, chất lượng gạo kém
Sâu đục bẹ ở lúa
Đặc điểm hình thái
Trưởng thành của sâu đục bẹ vũ hóa vào đêm và đẻ trứng thành từng hàng hoặc từng cụm trên lá lúa
Sâu non mới nở ra có màu trắng sáp sẽ bò lên cắn đứt đọt lá làm phao và cạp nhu mô trên lá hoặc chúng đục xuyên thủng bẹ qua thân
Sâu non đẫy sức dài khoảng 2cm, thân màu trắng sáp, đầu màu nâu cứng
Khả năng gây hại
Triệu chứng điển hình của cây lúa bị sâu đục bẹ tấn công là cây lúa kém phát triển, đọt và lá ngọn bị cắt đứt hoặc biến vàng, các phiến lá rách. Trường hợp sâu tấn công nặng sẽ gây úng thối gốc, thân mềm nhũn, rễ thối đen và chết từng mảng
Bọ xít hại lúa
Bọ xít hại lúa có 2 loại phổ biến là bọ xít đen và bọ xít dài
Đặc điểm hình thái
Bọ xít đen: Rất dễ nhận biết bọ xít đen ngoài đồng ruộng. Trưởng thành bọ xít có màu nâu đen, hình bầu dục, vỏ cứng, có cánh. Con non bọ xít khi mới nở có màu nâu đỏ, rìa 2 bên có 7 chấm đen xen lẫn với đỏ nâu đậm và không có cánh
Bọ xít dài: trưởng thành có màu xanh nhạt hơi nâu, cánh màu nâu vàng, mình thon dài, chân và râu dài. Bọ xít non có hình dáng giống con trưởng thành nhưng màu xanh lá mạ
Đặc điểm gây hại
Bọ xít non và trưởng thành đều chích hút nhựa làm cây lúa sinh trưởng kém, nhánh vô hiệu hình thành nhiều, bông không trỗ thoát, tỷ lệ hạt lép, lửng tăng
Các ruộng khô hạn hay sạ dày sẽ bị bọ xít tấn công nhiều hơn
Giai đoạn lúa bắt đầu đẻ nhánh đến làm đòng rộ là lúc bọ xít tấn công cây lúa mạnh nhất
Biện pháp phòng trị sâu bênh cho cây lúa
- Để phòng trị sâu bệnh cho cây lúa bà con nên áp dụng các biện pháp sau
- Luân canh cây lúa với cây trồng cạn
- Dọn sạch rơm rạ và tàn dư ủ bằng men vi sinh hoặc đốt sau mỗi vụ thu hoạch
- Cày lật sâu và phơi đất kỹ trước vụ lúa mới
- Nếu cần sử dụng thuốc BVTV bà con có thể tham khảo một số thuốc sau:
- Thuốc trị sâu cuốn lá: Sword 40EC, Perkill 50EC, Sautiu 1.8EC, Emaben 2.0ec, Saliphos 35EC
- Thuốc trừ rầy nâu: Sairifos 585EC, Butyl 40WG, Dupont™ Pexena™ 106SC, Exin 2.0SC
- Thuốc trừ sâu đục thân: Sieusao 40EC, Virtako 40WG, Voliam targo 063SC, Vibasu 10GR …
- Thuốc trừ bọ trĩ: Confidor 200SL, Focal 80WG, REASGANT 5EC, Radiant 60SC
- Thuốc trừ nhện gié: Kumulus 80WG, Voliam targo 063SC, Koben 15EC…
- Thuốc trừ sâu đục bẹ: tasieu 1.9ec, emaben 2.0ec, Vimatox 1.9ec, reasgant 3.6ec…
- Thuốc trừ bọ xít: Abatox 3.6EC, Rholam 20EC, Fortaras 25WG
—
Như vậy, Agriviet đã cung cấp những thông tin chi tiết về Top 7 loại sâu hại trên cây lúa thường gặp và cách phòng trị, hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc có được những kiến thức hữu ích để chọn lựa có một vụ mùa bội thu.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.