Mô tả
Tại sao cần tìm hiểu về sâu bệnh hại hoa dừa cạn
Dừa cạn là loại hoa đẹp và được trồng phổ biến làm cảnh quan ban công gia đình cũng như các khu công viên, trường học. Cây dừa cạn dễ trồng, ít mắc sâu bệnh nhưng khi đã mắc sâu bệnh sẽ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng tới giá trị thẩm mỹ của cây hoặc gây chết cây. Để giảm thiểu thiệt hại của sâu bệnh với cây dừa cạn, người trồng cần phân biệt, nhận diện được triệu chứng và tác nhân gây hại để có thể đưa ra giải pháp xử lý chúng hiệu quả nhất
Danh sách 6 loại sâu bệnh hại thường gặp trên cây dừa cạn
Trong quá trình trồng dừa cạn có thể mắc một số sâu, bệnh hại tấn công. Chi tiết nguyên nhân và biểu hiện từng loại sâu bệnh hại đó như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi tiếp trong phần dưới đây nhé:
Bệnh héo xanh ở hoa dừa cạn
Bệnh héo xanh chết nhanh là loại bệnh hại rất nguy hiểm với cây trồng. Bệnh gây chết cây nhanh chóng chỉ trong vài ngày gây thiệt hại lớn cho người trồng
Nguyên nhân: do nấm Fusarium gây nên

Biểu hiện trên cây bệnh
Ban đầu cây dừa cạn có dấu hiệu một nhánh hoặc toàn bộ cây bị héo rũ. Vài ngày đầu, các bộ phận bị bênh có thể tươi lại vào sáng sớm và đêm, héo buổi trưa chiều nhưng sau đó toàn bộ bộ phận bệnh héo rũ trong khi lá và thân vẫn xanh, cành bệnh teo tóp. Bệnh lây lan rất nhanh gây chết cả khóm và có thể lan nhanh theo nước tưới sang các khóm xung quanh
Gợi ý thuốc BVTV tác dụng mạnh trị héo rũ cho dừa cạn: Benkocid, Benkona, Ridomilgold 68WG, Mancozeb…
Bệnh lở cổ rễ ở hoa dừa cạn
Bệnh lở cổ rễ ở hoa dừa cạn phát triển mạnh khi điều kiện ẩm ướt, mưa nhiều, đất trũng đọng nước.
Nguyên nhân: do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Nấm gây bệnh tồn tại lâu dài trong đất trồng, có thể sống hoại sinh trên tàn dư cây trồng trong nhiều năm không chết.

Triệu chứng
Xuất hiện những chấm nhỏ trên rễ, cổ rễ hoặc phần sát gốc cây hoa, sau đó vết bệnh lan dần sang xung quanh.
Nếu gặp trời mưa nhiều hoặc do tưới nước quá ẩm thì chỗ vết bệnh sẽ bị thối mục, chuyển dần sang màu thâm đen, úng nước hoặc hơi khô. Bệnh làm cho cây ngã gục, đứt gốc. Các tán lá vẫn còn xanh nhưng toàn thân đã héo rũ
Một số thuốc BVTV trị bệnh: Derosal 50SC/60WP; Benlate 50WP; Fundazole 50WP; Moceren 25WP,…
Bệnh mốc xám hại hoa dừa cạn
Bệnh mốc xám thường phát sinh mạnh trên cây dừa cạn vào mùa mưa hoặc khi tưới phun sương quá ẩm cho cây
Nguyên nhân: do nấm Botrytis cinerea Persoon

Biểu hiện
Bệnh gây hại trên các đoạn cành, lá của cây dừa cạn. Ban đầu các vết bệnh xuất hiện là các đốm đen, vết này lớn lên nhanh chóng và lan dần lên phía ngọn tạo thành các mảng màu nâu đen. Bệnh nặng toàn bộ bộ phận nhiễm bệnh chuyển màu đen, thân trở nên teo tóp. Khi gặp điều kiện môi trường ẩm độ cao, trên các vết bệnh xuất hiện lớp mốc mỏng màu xám chính là các bào tử nấm
Gợi ý thuốc BVTV nên dùng: TOPSIN M 70WP, Topan 70WP, Kimono.APC 50WG, Binyvil 81WP…
Bệnh thối gốc nguy hiểm ở hoa dừa cạn
Nguyên nhân: có thể do nấm Fusarium oryzae gây ra
Triệu chứng
Nấm bệnh sống trong đất tấn công làm bộ rễ của cây dừa cạn bị hỏng. Thời kì đầu, bệnh làm lá héo vàng, khô và chết. Khi nhổ cây lên sẽ thấy rễ bị thối có màu nâu, vỏ long ra, rễ rời rụng
Thuốc BVTV được gợi ý: khuyến khích sử dụng thuốc BVTV có thành phần Dazomet; Oxytetracycline+Streptomycin.
Sâu khoai tấn công cây dừa cạn
Đặc điểm hình thái
Sâu khoai có kích thước cơ thể rất lớn. Nếu phát triển tối đa chúng có thể to bằng ngón tay cái của người lớn.
Cơ thể sâu khoai màu xanh, mềm và được chia thành các đốt rõ ràng. Trên mỗi đốt có vết chấm đen. Chúng có 2 đốm tròn to trên đầu rất lớn giống đôi mắt, phân đuôi có thể có 1 gai dài

Khả năng gây hại
Sâu khoai thường tấn công gây hại dừa cạn, đặc biệt là dừa cạn đứng. Chúng thường cắn phần đọt và lá non. Do kích thước cơ thể lớn hơn rất nhiều so với sâu thông thường nên nhu cầu thức ăn hàng ngày của sâu khoai cũng nhiều hơn so với các loại sâu khác. Vì vậy, nếu khóm dừa cạn bị sâu khoai tấn công, chỉ trong vài ngày chúng sẽ cắn trụi hết ngọn non của cây
Cách xử lý
Sâu khoai có kích thước lớn, dễ nhận biết. Do đó, các bạn nên thường xuyên quan sát khóm dừa cạn và bắt thủ công sâu khoai khi chúng mới xuất hiện
Rệp sáp hại dừa cạn
Rệp sáp là đối tượng khó xử lý và gây hại trên rất nhiều loại cây trồng không chỉ là cây dừa cạn.
Đặc điểm hình thái
Rệp sáp có cơ thể hình oval với một lớp sáp mỏng màu trắng phủ trên cơ thể. Chúng thường sống tập trung, ít di chuyển trên cây dừa cạn.

Khả năng gây hại
Khả năng sinh sản nhanh nên tốc độ gây hại của rệp sáp rất lớn. Rệp non và rệp trưởng thành thường chích hút nhựa cây làm cây sinh trưởng chậm và chết dần
Ngoài ra, rệp sáp còn tạo cơ hội cho một số nấm bệnh khác dễ dàng tấn công hoa dừa cạn
Một số thuốc BVTV trừ rệp sáp: Diazol 60EC, Bassa 50EC, Selecron 500EC, Boxing 485EC, applaud 10WP, Mospilan 3EC
Một số biện pháp khác phòng trừ sâu bệnh cho hoa dừa cạn
Để giảm khả năng sâu bệnh tấn công cây hoa dừa cạn, các bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây:
- Chọn mua giống khỏe bệnh, khi mua cây cần kiểm tra kỹ phần gốc và trong thân chính xanh tươi, không có vết chấm đen
- Nên tưới gốc cho dừa cạn bằng cách đổ nước vào vùng đất quanh gốc từ từ để nước ngấm đều trong lõi chậu, tưới lá sẽ làm phát sinh nấm mạnh
- Không tưới nước cho dừa cạn vào buổi tối để giảm nguy cơ nhiễm nấm
- Thường xuyên quan sát cây vào sáng sớm, chiều mát. Nếu thấy vết cành, ngọn bị cắn đứt hoặc vết phân sâu hình viên tròn quanh chậu thì nên tìm kỹ trong tán để bắt và tiêu diệt sâu ngay
Như vậy, Agriviet đã giới thiệu những thông tin chi tiết Top 6 sâu bệnh hại hoa dừa cạn phổ biến nhất, hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc có được những kiến thức hữu ích để chăm sóc cây đạt chất lượng tốt nhất và mang lại năng suất cao cho mỗi vụ mùa.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.