CHI TIẾT 6 loại bệnh hại trên cây atiso và cách phòng trừ

Danh mục:

Mô tả

Ảnh hưởng của bệnh hại với atiso

Với bản lá to, mật độ cây dày và ưa trồng nơi mát mẻ thì ruộng atiso là nơi lý tưởng để nấm bệnh hoành hành nếu như không được chăm sóc đúng cách. Các tác nhân nấm và vi khuẩn sẽ làm cho các cây atiso bị cháy lá, thân hoặc bông. Chúng làm giảm năng suất, phẩm chất thương phẩm của cây, gây chết cây hoặc lây lan nhanh gây chết cả một góc ruộng. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt sâu bệnh, người trồng atiso sẽ giảm năng suất, tốn kém thêm chi phí giống dặm thêm, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, và ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế vụ trồng atiso

Danh sách 6 loại bệnh hại phổ biến trên cây atiso

Trên cây atiso xuất hiện rất nhiều loại bệnh tấn công. Mỗi vụ trồng, ruộng atiso có thể mắc tất cả hoặc một vài loại bệnh trong số đó. Dưới đây AgriViet sẽ liệt kê chi tiết đặc điểm của từng loại bệnh trên cây atiso nhé

Bệnh mốc xám trên atiso

Nguyên nhân: do nấm Botrytis cinerea gây ra. Nguồn nấm này tồn tại trong đất và lây lan nhanh khi gặp trời mưa hoặc do tác động cơ giới của con người.



Triệu chứng

Cuống lá và các đầu vảy cánh hoa ban đầu xuất hiện màu nâu. Vết bệnh lan dần ra, khi bệnh nặng vết bệnh có thể bao phủ toàn bộ cụm hoa. Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, trên các điểm bị bệnh xuất hiện lớp mốc màu xám. Các bông bị bệnh thường có mùi khó chịu. Bệnh sẽ nghiêm trọng hơn vào những thời gian có mưa nhiều.

Bệnh mốc xám trên atiso
Bệnh mốc xám trên atiso

Cách phòng trừ

  • Chọn nơi trồng thoát nước tốt, đất nhẹ.
  • Đảm bảo mật độ trồng hợp lý, tránh trồng dày khiến trong ruộng không thông thoáng, dễ phát sinh nấm mốc xám
  • Loại bỏ tàn dư trong ruộng, rắc vôi bón lót để tiêu diệt nguồn lây bệnh
  • Không tưới ướt tán lá vào chiều tối
  • Khi bệnh nặng cần sử dụng thuốc hóa học có thể tham khảo các thuốc sau: CARBENDA SUPPER 50SC, BINYVIL 81WP, TOPSIN M 70WP…

Bệnh thối thân gây hại atiso

Nguyên nhân: do vi khuẩn Pectobacterium carotovorum thuộc chi Erwinia gây ra. Bệnh có thể lây lan do dụng cụ khi tách giống cây con từ cây mẹ hoặc khi chăm sóc.

Triệu chứng

Các cây atiso nhiễm vi khuẩn gây thối thân thường biểu hiện phát triển còi cọc, lá héo khi nhiệt độ cao, các lá non không thể xòe nở được, các lá phía dưới chuyển màu vàng và có thể bị thối, các vảy bao hoa mềm, thối nhũn. Cây nhiễm bệnh nặng sẽ bị đổ gục, héo rũ toàn bộ cây. Cắt thân cây sẽ thấy các mô bị thối mềm màu nâu hoặc đen

Bệnh thối thân gây hại atiso
Bệnh thối thân gây hại atiso

Biện pháp phòng trừ

Sử dụng các giống sạch bệnh, không lấy giống từ vườn đã có tiền sử nhiễm vi khuẩn thối thân

Trồng atiso từ hạt sạch bệnh

Bệnh sương mai (mốc sương) tấn công atiso

Nguyên nhân: gây ra bởi nấm Leveillula taurica. Bệnh lây lan qua gió. Khi nhiệt độ môi trường thấp kết hợp ẩm độ cao bệnh càng gây hại nặng.

Triệu chứng

Vết bệnh thường xâm nhập và biểu hiện ở mặt dưới lá. Ban đầu vết bệnh là chấm màu vàng chuyển dần sang nâu và lan rộng. Trên vết bệnh xuất hiện lớp nấm trắng ở mặt dưới của lá

Bệnh nặng làm lá héo rũ, khô vàng

Bệnh sương mai tấn công atiso
Bệnh sương mai tấn công atiso

Cách xử lý bệnh mốc sương trên atiso

Sử dụng giống kháng, sạch bệnh

Dọn dẹp sạch sẽ tàn dư trước và trong khi trồng atiso

Khi cây nhiễm nhẹ, cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận bệnh

Trường hợp bệnh nhiễm nặng và lây lan trong vườn nhanh bà con có thể sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Mancozeb, Metalaxyl, Ningnanmycin, Oligo, sacarit…

Bệnh đốm lá ở atiso

Nguyên nhân: Ramularia cynarae là nấm gây ra bệnh đốm lá trên cây atiso. Trong mùa mưa, ẩm độ môi trường cao sẽ làm cho bệnh lây lan nhanh hơn

Triệu chứng

Bệnh biểu hiện ở cả 2 mặt lá cây. Vết bệnh hình tròn, màu vàng nâu. Bệnh gây hại nặng có thể làm khô, cháy lá, vảy hoa, cong cành. Thời tiết mưa ẩm, trên vết bệnh sẽ xuất hiện lớp nấm màu trắng

Bệnh đốm lá ở atiso
Bệnh đốm lá ở atiso

Biện pháp phòng trị bệnh đốm lá cho atiso

Các biện pháp vật lý và kỹ thuật xử lý bệnh đốm lá có thể áp dụng tương tự như bệnh mốc sương

Khi bệnh gây hại nặng cần sử dụng thuốc BVTV bà con có thể dùng các loại sau: Newtracon 70WP, Anvil 5SC, Pro – Thiram 80WP…

Bệnh thối gốc cây con cho atiso

Nguyên nhân: Nấm Pythium spp tấn công gây thối gốc cây con atiso. Nguồn nấm thường tồn tại trong đất, xâm nhập qua rễ cây. Khi nơi trồng kém thoát nước, thời tiết ẩm ướt bệnh sẽ bùng phát mạnh.

Triệu chứng

Trên thân vết bệnh ban đầu là các chấm màu nâu, các vết này hình dạng bất định và lan rộng dần khi bệnh gây hại nặng. Vết bệnh thường lõm, có gờ màu nâu sáng hơn bao quanh.

Rễ cây bệnh thường mất màu, thối rễ

Khi cây non nhiễm bệnh, cây thường héo rũ rồi đổ gục và chết

Bệnh thối gốc cây con cho atiso
Bệnh thối gốc cây con cho atiso

Các biện pháp xử lý

Trồng atiso ở nơi đất cao ráo, thoát nước tốt

Xử lý mầm bệnh trước khi gieo hạt

Làm đất kỹ trước vụ trồng

Khi cần áp dụng biện pháp hóa học có thể dùng thuốc có các gốc đồng, Validamycin, nấm đối kháng Trichoderma…

Bệnh héo rũ gây hại cho atiso

Nguyên nhân: nấm Verticillium dahliae gây ra bệnh héo rũ ở atiso. Bào tử của nấm này có khả năng tồn lưu rất lâu trong đất và sẽ tấn công cây atiso khi có các vết thương hở trên cây.

Triệu chứng

Bệnh tấn công cả atiso con lẫn cây trưởng thành.

Bệnh thường gây hại ở các lá già, lá phía gần gốc rồi lan dần lên các lá phía trên.

Vết bệnh mới màu vàng sau chuyển dần sang màu nâu vàng; cây bệnh nặng lá sẽ khô, héo rũ và có thể làm đổ gục cả cây

Bệnh héo rũ gây hại cho atiso
Bệnh héo rũ gây hại cho atiso

Biện pháp phòng và điều trị bệnh

Sử dụng dụng cụ sạch khi thu hoạch lá atiso, giảm tối đa các vết thương khi chăm sóc cây

Chọn sử dụng giống atiso sạch bệnh

Bón phân cân đối tăng cường sức khỏe cho cây đề kháng bệnh tấn công

Một số loại thuốc hóa học có thể sử dụng khi bệnh nặng: Kozuma 8SL, Sucker 4SL, Bisomin 2SL, Biobac 50WP…

Sử dụng các sản phẩm sinh học phòng trừ nấm bệnh cho atiso

Cây atiso được thu hoạch dùng làm thức ăn hoặc dược liệu. Do đó, cần đảm bảo cho toàn bộ thân lá, hoa của cây sạch bệnh và khi cây bệnh người trồng nên hạn chế tối đa việc dùng thuốc BVTV hóa học. Hiện nay, các dòng thuốc trị bệnh nguồn gốc sinh học trên thị trường rất nhiều. Bà con có thể dùng các thuốc dạng nấm đối kháng như: Trichoderma, Kentomium để phòng trị đồng thời giúp cây phát triển hệ rễ khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, các hoạt chất như chitosan, nano bạc… cũng là những sản phẩm an toàn cho chất lượng thành phẩm atiso.

Như vậy, Agriviet đã giới thiệu những thông tin chi tiết về CHI TIẾT 6 loại bệnh hại trên cây atiso thường gặp, hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc có được những kiến thức hữu ích để chăm sóc cây đạt chất lượng tốt nhất và mang lại năng suất cao cho mỗi vụ mùa.

Xin cảm ơn!

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “CHI TIẾT 6 loại bệnh hại trên cây atiso và cách phòng trừ”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *